PHÍA SAU PHIÊN TÒA HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Ngày 11/3/2022, Tòa án nhân dân huyện Phước Sơn phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Sơn tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hôn nhân và gia đình về “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, trả nợ chung khi ly hôn”, giữa:

Nguyên đơn: Chị Trần Thị H; Bị đơn: Anh Đào Ngọc T; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng chính sách xã hội V.

Nội dung vụ án: Chị Trần Thị H và anh Đào Ngọc T sống với nhau từ năm 2004 đến năm 2013 thì mới đăng ký kết hôn, quá trình chung sống vợ chồng sinh được 04 đứa con, lớn nhất sinh năm 2006, nhỏ nhất sinh năm 2017. Cuộc sống chung của vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Do anh T uống rượu về chửi bới, đánh đập chị H nên chị H xin ly hôn. Qua hai lần hòa giải anh T không muốn ly hôn mà mong muối về đoàn tụ để nuôi dạy con cái. Nhưng chị H vẫn cương quyết xin ly hôn.

Ngoài những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng trong vụ án. Thành phần tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm gồm Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện. Nhằm qua phiên tòa để Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân, Thư ký nêu nêu tinh thần trách nhiệm, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng điều khiển phiên tòa, trình độ nghiệp vụ trong công tác xét xử các vụ án và cũng thông qua phiên tòa truyên truyền pháp luật đến nhân dân nhằm hạn chế việc ly hôn.

Phiên tòa diễn ra theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Trên cơ sở nội dung vụ án, lời khai của các đương sự tại phiên tòa. Tại phiên tòa anh T đồng ý ly hôn vì chị H đã đi khỏi nhà 4 tháng không chịu về. Xét thấy, tình trạng hôn nhân của chị H và anh T trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, nên Hội đồng xét xử đã xử cho chị H được ly hôn với anh T, kết thúc 18 năm chung sống. Khi hôn nhân bế tắc, hai người không thể tìm tiếng nói chung thì ly hôn là giải pháp để giải thoát cho cả hai phía. Mặc dù, ly hôn là theo nguyện vọng của chị H, nhưng thấy được sau này tương lai của chị H và các con sẽ như thế nào khi chị H không có việc làm ổn định, cuộc sống sẽ khó khăn khi chị H phải đi thuê nhà và nuôi hai con nhỏ.

Những năm gần đây án hôn nhân và gia đình trên địa bàn huyện Phước Sơn ngày một gia tăng. Theo số liệu thống kê từ năm 2019 đến ngày 15/3/2022, Tòa án huyện Phước Sơn đã thụ lý: 76 vụ (năm 2019: 19 vụ, 2020: 29 vụ, năm 2021: 21 vụ, 3 tháng đầu năm 2022: 07 vụ). Với một huyện miền núi, dân cư còn thưa thớt, thì tình trạng ly hôn như hiện nay là đáng báo động. Điều đáng quan tâm các vụ án hôn nhân và gia đình đương sự là người dân tộc thiểu số chiếm gần một nữa (năm 2019 và năm 2021 chiếm 42%, 2020 chiếm 44%). Độ tuổi đương sự trong vụ án ly hôn cũng ngày một trẻ hóa, đa số ở độ tuổi dưới 35 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng là do vợ hoặc chồng ngoại tình không quan tâm đến gia đình. Chồng uống rượu về nhà chửi bới, đánh đập vợ, kinh tế gia đình khó khăn…Mặc dù, khi đương sự gửi đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án đã tiến hành hòa giải. Hòa giải viên, Thẩm phán đã phân tích, giải thích cho vợ chồng hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, nghĩa vụ với con… để từ đó hàn gắn, gắn kết vợ chồng.  Tuy nhiên, chỉ được một vài trường hợp đương sự rút đơn về đoàn tụ, còn đa số thuận tình ly hôn. Có vụ hòa giải hai lần người chồng không muốn ly hôn mà mong muốn vợ chồng về đoàn tụ để nuôi dạy con cái, nhưng người vợ vẫn cương quyết xin ly hôn. Vì vậy, Tòa án phải đưa vụ án ra xét xử và các vụ án đưa ra xét xử đa số là xử cho ly hôn. Sau mỗi vụ án ly hôn thường có nhiều hệ lụy, không chỉ là những cú sốc về tâm lý đối với người vợ, người chồng, những tổn thương về tinh thần đối với những đứa trẻ mà đằng sau đó là biết bao số phận, mảnh đời rơi vào cảnh bất hạnh, buồn đau, có những người trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, với chủ đề: “Yêu thương và Chia sẻ”. Hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, rất mong các tổ chức, đoàn thể ở các địa phương tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, tổ chức các hoạt động để xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ các cá nhân, gia đình khó khăn trên tinh thần yêu thương và chia sẻ, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình nhằm hạn chế việc ly hôn.

“Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hãy yêu thương và sẻ chia để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực./.

 

Những hình ảnh tại phiên tòa

 

                       Tác giải bài viết:  Phan Thị Lan- Phó Chánh án Tòa án huyện Phước Sơn

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BỊ XỬ PHẠT TÙ VÌ RỦ NHAU ĐI KHAI THÁC GỖ TRÁI PHÉP

Ngày 07/9/2022, Tòa án nhân dân huyện Phước Sơn mở phiên tòa xét xử sơ …

X