Nữ cán bộ Tòa án: Sống, đâu chỉ nhận riêng mình

Rời cổng trường đại học, thi tuyển công chức vào Tòa án được công tác tại tỉnh lỵ, nhìn thấy những người bạn của tôi, đặc biệt là nữ, họ sẵn sàng lên miền núi cao để công tác, tôi không tránh khỏi suy nghĩ “lên vùng cao khó khăn không biết các bạn có trụ nổi không đây?”

Sau 03 năm công tác, may mắn có cơ hội được đến những nơi mà đồng nghiệp nữ của tôi đang làm việc, sinh sống… được gặp những lớp cán bộ đi trước, tận mắt chứng kiến những công việc họ làm, thấy tổ ấm bé nhỏ của họ, cùng những phút trải lòng về cuộc sống trên “miền Ngược” này…tôi thấy mình quá bé nhỏ trong cuộc đời  này.

…Cho một đời nghề

Khi nhắc đến thế hệ cán bộ lãnh đạo nữ Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam, tôi vẫn thường nghe nhắc đến chị Châu Thị Minh Định –  Chánh án TAND huyện Bắc Trà My, chị Ngô Thị Mơ- Chánh án TAND huyện Phước Sơn, chị Lê Thị Thu Tám- Chánh án TAND huyện Nam Trà My…như một sự gợi mở và trân trọng. Phụ nữ làm nghề Luật đã là một cái khó, càng vất vả hơn khi  công tác ở miền núi cao với nhiều khó khăn, thử thách. Hơn nửa đời người các chị đã sống trọn với Nghề, với mảnh đất “thiên nhiên không chiều lòng người”,  nhưng khi kể về chặng đường đã qua, về nghề nghiệp, về cuộc sống gia đình các chị đều tựu chung lại một điều đó là “chữ duyên”.

Câu chuyện đến với Nghề của chị Mơ, chị Định…là một hành trình khá dài. Bởi trong cuộc hành trình đó, có tuổi trẻ, mồ hôi, nước mắt của các chị. Các chị là một phần của tuổi trẻ trong năm tháng chiến tranh và cũng là một phần của thế hệ cán bộ đi tiên phong xây dựng “nấc thang đầu” pháp luật trên miền núi cao của tỉnh Quảng Nam sau ngày đất nước giải phóng. Kể về lý do đến với nghề, chị Mơ tâm sự “Vốn là con gái miền đất Diễn Châu- Nghệ An, những năm tháng tuổi trẻ của chị là những năm tháng sống trong mưa bom bão đạn, 19 tuổi – cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, chị tham gia cách mạng, làm nữ y tá chăm sóc cho đồng đội bị thương, để rồi chị đã gặp anh- người con mảnh đất Quảng Nam anh hùng. Sau ngày hòa bình, từ tình đồng đội, chị thương anh, xa quê hương, theo anh lên miền cao Phước Sơn công tác và theo Nghề cho đến bây giờ. Khác với chị Mơ, chị Định là người con của đồng bào Kor nơi núi rừng  Trà My, bám trụ quê hương qua những ngày chiến tranh khốc kiệt, chị quá hiểu nỗi khổ đồng bào mình. Sau khi đất nước giải phóng, được nhà nước cho đi học, chị mong muốn được công tác tại Tòa án để giúp giúp đồng bào nâng cao nhận thức pháp luật, tuyên truyền cho đồng bào “những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” để “hợp ý Đảng, lòng dân” cùng xây dựng quê hương phát triển.

Đến với nghề là một cái duyên, nhưng bám trụ với nghề không phải là điều dễ. Các chị tâm sự: “Khổ mấy về vật chất các chị cũng chịu được. Nhưng cái khổ lớn nhất “phải vượt qua chính mình” để rèn luyện ý chí tự học, tự nghiên cứu và giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp trước những thay đổi của xã hội.

Là lớp thế hệ cán bộ đi sau Chị Mơ, chị Định, chị Lê Thị Thu Tám – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nam Trà My có khó khăn riêng “xa tổ ấm thân yêu, một thân một mình đối mặt với những cách trở về mặt địa lý cộng với thiên nhiên khắc nghiệt. Từ lĩnh vực công tác đoàn thể, chuyển sang Tòa án, quãng thời gian ấy chị phải nỗ lực hết mình. Mặc dù có nhiều “kinh nghiệm” khi công tác tại miền núi, nhưng bản thân chị vẫn luôn cố gắng đầu tư nghiên cứu chuyên môn, học hỏi, trao đổi với đồng nghiệp để nâng cao năng lực và từng bước xây dựng bản lĩnh của một người Thẩm phán.

Tâm sự về Nghề chị kể:“Khó khăn đến mấy, không quen rồi cũng thành quen. Đã được giao trách nhiệm thì phải làm hết sức mình. Làm công tác xét xử ở những vùng núi cao “không dễ chút bào”. Ở đây 97% là đồng bào dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp, bên cạnh việc xét xử phải tuyên truyền, giải thích để cho nhân dân hiểu. Có những phiên tòa hình sự, bị cáo (được tại ngoại) là đồng báo dân tộc ít người, muốn triệu tập họ đến phiên tòa phải kết hợp cả giải pháp pháp luật và phương pháp dân vận. Nhiều khi xử xong, biết bị cáo không có tiền, hoàn cảnh quá khó khăn, anh em Tòa án phải bỏ tiền túi mua cơm, mua áo quần cho họ; thậm chí phải bỏ tiền thuê xe thồ đưa họ về tận nhà”. Qua lời kể đó, tôi chợt hiểu thêm một điều, trên vùng cao này, để giáo dục, cảm hóa người phạm tội thì chỉ bản án của Tòa án thôi là chưa đủ, mà còn phải cộng thêm “cái tâm”, cái “Tình người” của người làm công tác Tòa án.

Khi được hỏi: “Điều hạnh phúc nhất khi làm Người cán bộ Tòa án là gì?”, các chị đều phấn khởi: Dù còn nhiều trăn trở nhưng thật sự yên tâm khi gia đình luôn hiểu và chia sẽ. Ý thức được giá trị những công việc của mẹ đang làm, những đứa con của các chị đều trưởng thành, nhiều đứa mong muốn được theo Nghề của mẹ! Những năm tháng cống hiến cho Tòa án, cho miền núi cao và những lời trãi lòng của các chị càng làm lớp trẻ như chúng tôi phải khâm phục!

… Cho một tình yêu giản dị

Điều may mắn và thú vị, khi đến miền núi cao, tôi được gặp những đồng nghiệp nữ trẻ như chị Đoàn Thị Kiều Hoanh, chị Phạm Thị Hồng Chi – Thư ký Tòa án nhân dân huyện Nam Trà My, Bắc Trà My. Các chị từ các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Nam lên với miền núi cao, công tác trong ngành Tòa án như một “cơ duyên”. Thật lòng, là phụ nữ không ai muốn xa gia đình, rời trường đại học, dù có trái nghề, các chị cũng có thể có một công việc ở thành phố hoặc ít nhất cũng ở một huyện đồng bằng. Thế nhưng, các chị lên đây với hành trang là nhiệt huyết tuổi trẻ, với khát khao được theo nghề, gầy dựng nơi đây đã trở thành “quê hương” của mình tự lúc nào không biết.

Chia sẻ với tôi, chị Hoanh cởi mở: “Cho đến bây giờ mình vẫn không hối tiếc về nghề mình đã chọn và mảnh đất để mình lập nghiệp. Lúc lên đây mình không có gì ngoài “một khối kiến thức từ giảng đường đại học”, qua năm tháng được sự dìu dắt và tin tưởng của Lãnh đạo, cùng với tình cảm mà đồng bào dành cho, mình đã cố gắng vận dụng kiến thức đã học giúp Thẩm phán hoàn thành tốt công tác xét xử góp phần vào việc tuyên truyền pháp luật đến người dân nơi đây. Mỗi vụ án, mỗi phiên tòa là một bài học, là động lực để  mình tiếp tục phấn đấu trên chặng đường tiếp theo”. Tôi tin rằng, với nghị lực đang có và tình yêu nghề, các chị sẽ là những thế hệ xứng đáng tiếp tục sự nghiệp bảo vệ pháp luật, đem lại công lý trên miền cao Quảng Nam.

Một điều ấn tượng hơn nữa, khi chúng tôi gặp chị Thu Hà – nhân viên tạp vụ TAND huyện Nam Trà My. Cô gái miền xuôi siêng năng, chăm chỉ, dáng người nhỏ bé, làn da nâu rắn rỏi, khăn gói theo chàng Thư ký Tòa án  – Cao Văn Cần, xây dựng tổ ấm, cư ngụ tại khu nhà ở tập thể Tòa án nhân dân huyện Nam Trà My. Với đôi bàn tay chăm chỉ của chị cộng với “chất nghệ sĩ” của anh, họ đã xây dựng khu tập thể Tòa án thành một “công trình thanh niên” nhỏ nhưng thật đẹp. Đó là một vườn rau sạch được trồng rất khoa học, một dãy lồng chim vui hót suốt ngày, một hồ cá nhỏ giữa khuôn viên, và vui hơn nữa là tiếng bi bô của cậu con trai đáng yêu, kháu khỉnh. Theo cảm nhận của chúng tôi, “công trình thanh niên” này đẹp đẹp cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Nhờ có công trình ấy, những người xa nhà, xa quê trú ngụ nơi đây có thêm hơi ấm của gia đình, thêm tình yêu và niềm hạnh phúc. Trong những câu chuyện anh chị kể, tôi nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc giản dị của một người phụ nữ khi được chăm sóc và vun vén cho tổ ấm của mình. Còn với anh vẫn có điều gì đó trăn trở, vẫn chưa quên được những ký ức quen thuộc ở miền đồng bằng Quảng Ngãi, quan trọng hơn là mong muốn con trai có điều kiện để học hành, vui chơi như trẻ con thành phố. Có lẽ, ước mong của anh cũng là điều “rất thật”, nhất là đối với cán bộ, công chức miền xuôi đang công tác trên vùng cao. Nhưng tôi vẫn muốn nói với anh rằng“hãy giữ gìn hạnh phúc mà anh chị đã tạo nên trên vùng đất này, bởi đôi khi cung đường của “hạnh phúc đích thực” không nằm xa lắc nơi thành thị, hiện đại, đầy đủ vật chất mà lại trải hoa trên chính mảnh đất sỏi đá, giàu tình yêu thương nơi anh chị đang sống!.

… Xây niềm tin cho thế hệ tương lai

Trở về với công việc thường ngày nơi phố xá đông đúc, trong lòng tôi luôn tâm đắc về ý chí, nghị lực và cả đức hy sinh của những cán bộ phụ nữ Tòa án đang công tác nơi miền núi cao. Chính tình yêu nghề, niềm yêu đời là chất kết dính tốt nhất gắn bó những nữ cán bộ miền xuôi với quê hương thứ hai của họ– vùng núi cao Quảng Nam, như nhà thơ Chế Lan viên đã viết “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”!. Những gì các chị đã làm được ngày hôm nay, trên miền núi cao này, tôi tin sẽ không thể nào bị lãng quênTre già, măng mọc. Tương lai sẽ có một thể hệ tiếp nối sự nghiệp của chị Định, chị Mơ trên vùng cao này. Những gì các chị để lại sẽ tạo một niềm tin vững chắc và tiếp thêm sức mạnh cho lớp cán bộ trẻ kế thừa.

Vinh dự là Người cán bộ Tòa án và thật sự may mắn khi chúng tôi trở thành đồng nghiệp với các nữ cán bộ Tòa án đang công tác tại các huyện miền núi. Nhất là sau những chuyến công tác dài ngày, được cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẽ, tâm sự với các chị, chúng tôi càng thấm thía hơn lời dặn dò của đồng chí Phan Khắc Chưỡng – Phó Chánh án, Trưởng ban Ban vì sự tiến bộ phụ nữ  Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam đối với chúng tôi từ những ngày đầu được tuyển dụng:“Các bạn là những phụ nữ hiện đại, đại diện cho thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, vì thế hãy nhìn nhận khác hơn về trách nhiệm nghề nghiệp, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, phải thoát khỏi suy nghĩ “an phận”, tự vươn lên khẳng định chính mình, hãy đi đến những nơi Tổ quốc cần – bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

XỬ PHẠT 15 NĂM TÙ VÀ PHẠT BỔ SUNG 118.000.000 ĐỒNG ĐỐI VỚI 6 BỊ CÁO LỪA BÁN XE MÁY GIẢ

Ngày 24/02/2023, Tòa án nhân dân huyện Phước Sơn mở phiên tòa xét xử sơ …

X